Rau mùi là một loại rau gia vị quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Chúng không chỉ giúp tạo mùi thơm cho món ăn mà còn có nhiều tác dụng đáng quý đối với sức khỏe.
Nguồn gốc, đặc điểm của rau mùi
Rau mùi có tên khoa học là Coriandrum sativum L. Đây là loài thực vật vô cùng quen thuộc trong đời sống của chúng ta. Chúng còn được biết đến với nhiều cái tên dân dã như ngò rí, ngò thơm, mùi ta,… Loại rau này xuất hiện rất nhiều trong các món ăn hàng ngày, như một thứ gia vị tô điểm thêm cho bữa ăn trở nên ngon miệng hơn.
Hình ảnh cây rau mùi.
Rau mùi vốn là loài thực vật có nguồn gốc từ vùng Tây Á, kéo dài đến châu Phi. Sau này chúng dần trở nên phổ biến và du nhập đến nhiều quốc gia vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.
Tại một số quốc gia châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, loại rau này được trồng với quy mô vô cùng lớn để làm dược liệu cũng như chưng cất lấy tinh dầu, phục vụ ngành công nghiệp mỹ phẩm.
Rau mùi là loại cây thân thảo, có chiều cao trung bình chỉ từ 30-50cm. Cây phân nhánh nhiều, các lá con có hình răng cưa mọc ra từ nhánh và tỏa mùi thơm nhẹ nhàng, dễ chịu.
Cây có khả năng ra hoa, hoa của chúng có màu trắng hồng, nở ở đầu ngọn, mọc thành từng cụm với nhau. Sau khi hoa tàn sẽ tạo thành quả, quả có hình cầu, đường kính từ 2-4mm, được thu hoạch làm dược liệu hoặc bào chế thành các loại gia vị cho món ăn.
Phân biệt các loại rau mùi hiện nay
Rau mùi hiện nay đang được chia thành một số loại như sau:
1. Rau mùi ta – Ngò rí
Rau mùi ta hay còn được gọi là ngò rí, có màu xanh nhạt, có hương thơm nhẹ nhàng, dễ chịu. Chúng thường được sử dụng để làm rau trộn, rau thơm ăn kèm, gia vị cho các món ăn của người Việt. Đây cũng là loại rau được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
2. Rau mùi tàu – Ngò gai
Hay còn được biết đến với tên gọi là cây ngò gai. Đây là loại thực vật vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ. Chúng có những chiếc lá thuôn dài, viền lá có răng cưa, gân lá nổi bật chính giữa và xuyên suốt chiều dài của chiếc lá. Rau mùi tàu thường được sử dụng trong các món ăn như canh măng, rau sống để ăn kèm,…
3. Rau mùi tây
Chúng có tên khoa học là Parsley, thuộc chi Petroleum và có công dụng tương tự như với các loại rau mùi ta hiện nay. Tuy nhiên loại rau này có màu xanh đậm, đậm hơn nhiều so với mùi ta và lá của chúng hơi xoăn vào một chút. Ngoài ra, lá của Parsley cũng có kích thước lớn hơn, được các nước châu Âu, Bắc Mỹ hoặc Trung Đông ưa chuộng dùng làm gia vị cho các món ăn.
Rau mùi có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Không chỉ là loại gia vị được yêu thích, rau mùi còn có nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người.
1. Giúp làm giảm lượng đường trong máu
Rau mùi nói chung hay hạt của chúng khi thu hoạch nói riêng đều có khả năng giúp làm giảm lượng đường huyết trong máu. Do đó loại rau này rất có lợi đối với bệnh nhân bị tiểu đường, có lượng đường huyết luôn ở mức cao. Tuy nhiên, những người hiện đang sử dụng thuốc điều trị tiểu đường cũng như có lượng đường huyết luôn ở mức rất thấp cần cân nhắc nếu muốn sử dụng loại rau này để chữa trị.
2. Chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch
Rau mùi cung cấp một số hoạt chất có khả năng chống oxy hóa cao, giúp ngăn ngừa những tổn thương tế bào bên trong cơ thể do các gốc tự do nguy hại gây nên. Nhờ đó, cơ thể chúng ta sẽ trở nên khỏe mạnh hơn, hệ miễn dịch được củng cố và tăng cường.
3. Có lợi cho sức khỏe tim mạch
Theo như một số nghiên cứu khoa học, chiết xuất từ rau mùi có khả năng giúp cơ thể đào thải natri dư thừa qua đường bài tiết, nhờ đó huyết áp sẽ được ổn định và cân bằng. Bên cạnh đó, loại rau này còn có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, bằng cách làm giảm bớt hàm lượng Cholesterol LDL có hại trong mạch máu.
4. Bảo vệ sức khỏe não bộ
Một nghiên cứu đã cho thấy rằng, chiết xuất từ rau mùi có thể bảo vệ cơ thể khỏi các tổn thương hệ thần kinh. Nhờ đó giúp phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh về trí não như Alzheimer hay Parkinson. Ngoài ra, loại rau này còn có thể giúp kiểm soát được sự lo lắng, khiến tâm trạng của chúng ta cảm thấy thoải mái hơn.
5. Thúc đẩy việc tiêu hóa và bảo vệ đường ruột
Tinh dầu từ rau mùi có khả năng thúc đẩy quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn. Tại một số quốc gia Trung Đông, họ sử dụng loại rau này để bào chế thành dược liệu giúp kích thích cơn thèm ăn cho những trẻ mắc chứng biếng ăn.
6. Chống nhiễm trùng, kháng viêm
Trong rau mùi có chứa một hoạt chất có tên là Dodecenal, có khả năng chống lại vi khuẩn Salmonella gây ra hàng loạt các chứng bệnh về ngộ độc thực phẩm và đường ruột ở người. Ngoài ra, hạt của rau còn có thể chống lại sự viêm nhiễm do vi khuẩn đường tiết niệu gây ra. Từ đó phòng tránh được các chứng bệnh về đường tiết niệu nguy hiểm.
7. Bảo vệ làn da tối ưu
Nhờ vào khả năng chống viêm tuyệt vời, tinh dầu từ rau mùi mang đến sự bảo vệ cho làn da, giúp ngăn ngừa bức xạ từ tia tử ngoại, ngăn chặn tổn thương tế bào làn da, chống lại sự lão hóa, chống viêm da do dị ứng hiệu quả.
8. Dễ dàng thêm vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày
Tất cả các bộ phận của rau mùi trừ phần rễ đều có thể ăn được. Tuy nhiên phần thân, lá của cây thì thường được sử dụng trong các món ăn nhiều hơn là phần hạt. Hạt chủ yếu được thu hoạch, mang đi phơi khô rồi tán nhuyễn thành bột nhằm bào chế thành gia vị cho món ăn. Bạn có thể thêm rau vào các món ăn thường ngày của gia đình, hoặc có thể dùng nó để ăn kèm với các món trộn, salad, mì Ý, bánh mì kẹp thịt,…
Rau mùi và hạt của nó có sự khác biệt ra sao?
Theo như cách gọi của người dân Nam Bộ nước ta, rau mùi còn được gọi là ngò rí, với “ngò” là để chỉ lá và thân của cây. Ngoài ra, tên khoa học của lá rau với hạt cũng khác nhau, khi mà phần thân và lá được gọi là Cilantro, còn phần hạt được gọi là Coriander.
Lượng dinh dưỡng có trong hạt mùi dồi dào hơn rất nhiều so với trong thân và lá. Tuy nhiên, đó là bởi vì trong lá rau và thân chứa đến 92,2% là nước, còn trong hạt chỉ có 8,9% mà thôi. Mặc dù vậy, đây vẫn là loại rau giàu dinh dưỡng không thể bỏ qua.
Ăn rau mùi có bị mất sữa không?
Theo như nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng, đối với rau mùi tây mới có khả năng làm giảm lượng sữa của bà bầu sau khi sinh. Do đó việc ăn rau mùi ta không hề gây ra tình trạng mất sữa sau sinh. Trái lại, hạt của rau có khả năng kích thích cơ thể phụ nữ sau khi sinh sản sinh ra nhiều sữa hơn. Bạn có thể tham khảo trong bài thuốc Đông y như sau:
– 12g hạt mùi, 30g gạo nếp đem đi nấu cháo với nhau và ăn ngay khi còn nóng.
– 6g hạt mùi đun sôi cùng 100ml nước, sau đó chia ra uống trong ngày. Dùng liên tục trong 3 ngày để kích thích ra sữa.
Một số cách sử dụng rau mùi hàng ngày
Rau mùi có một số cách để sử dụng hàng ngày vô cùng hữu ích, bạn có thể tham khảo như sau:
1. Ăn rau mùi sống
Bạn có thể ăn rau mùi sống cùng với các loại rau ăn kèm khác hoặc có thể trộn thành salad rau ăn hàng ngày. Miễn sao trong quá trình sơ chế, bạn loại bỏ hết rễ và rửa sạch rau với nước muối loãng để diệt vi khuẩn.
2. Uống nước ép rau mùi
Ngoài việc ăn sống loại rau này, bạn còn có thể ép nước rau mùi để uống hàng ngày. Việc sử dụng nước ép hàng ngày sẽ mang lại cho bạn những lợi ích như sau:
– Giúp hỗ trợ giảm cân, giảm nguy cơ hình thành mỡ thừa trong cơ thể.
– Chữa rong kinh ở phụ nữ.
– Giúp làm giảm Cholesterol có hại trong máu.
– Giúp lợi tiểu.
– Giúp chống viêm, kháng khuẩn và làm đẹp da.
Nước ép từ rau mùi có lợi đối với sức khỏe.
3. Làm món ăn hàng ngày với rau mùi
Rau mùi còn có thể được sử dụng để làm những món ăn hàng ngày mà bạn vẫn ăn cùng với các nguyên liệu phổ biến như trứng gà, thịt, rau,… Làm món ăn nào ngon sẽ phụ thuộc vào khả năng nấu nướng và sáng tạo của bạn.
Tác hại nếu lạm dụng rau mùi
Mặc dù có nhiều công dụng đối với sức khỏe, tuy nhiên nếu như bạn lạm dụng loại rau này quá mức sẽ phản tác dụng và gây nên những ảnh hưởng đối với sức khỏe.
1. Gây tổn thương gan
Rau mùi chứa các hoạt chất chống oxy hóa mạnh có thể giúp bảo vệ gan. Thế nhưng nếu hấp thụ một lượng lớn các chất này sẽ khiến gan bị tổn thương, làm tăng tiết dịch mật và rối loạn chức năng gan.
2. Gây tụt huyết áp
Do rau mùi có khả năng đào thải nitrat ra khỏi cơ thể, vậy nên nếu ăn quá nhiều loại rau này có thể khiến bạn bị tụt giảm nghiêm trọng nitrat. Từ đó khiến huyết áp bị tụt nghiêm trọng, có thể gây ra bất tỉnh.
3. Gây ảnh hưởng đường tiêu hóa
Khi tiêu thụ quá nhiều rau mùi, nó sẽ khiến bạn bị rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, tiêu chảy, nôn mửa do sự tăng tiết axit trong dạ dày gây ra.
4. Gây ảnh hưởng đường hô hấp
Nếu như bạn mắc bệnh về hen suyễn hoặc hô hấp nói chung, tốt nhất không nên ăn rau mùi hoặc sử dụng một cách cực kỳ hạn chế. Bởi sử dụng quá nhiều loại rau này sẽ gây ra tình trạng khô cổ họng, khó thở,…
5. Gây ảnh hưởng đến thai nhi
Rau mùi được cho là có thể gây ảnh hưởng đến nội tiết tố và các hormone của phụ nữ khi mang thai nếu ăn quá nhiều loại rau này. Từ đó sẽ gây ra những ảnh hưởng trong quá trình phát triển của thai nhi, tăng nguy cơ mắc các dị tật nguy hiểm.
Lưu ý khi sử dụng rau mùi
Để có thể giúp bạn sử dụng rau mùi mang lại hiệu quả cao về sức khỏe, sau đây là một số lưu ý khi sử dụng loại rau này:
– Không nên sử dụng nếu như bạn bị mẫn cảm hoặc dị ứng với rau trong quá trình ăn, uống nước ép. Bởi nó có thể khiến bạn bị nổi mẩn ngứa, viêm da dị ứng,…
– Nếu bạn uống nước ép rau mùi hàng ngày, không nên sử dụng quá 200ml nước ép mỗi tuần. Nếu uống quá nhiều có thể khiến làm tăng cảm giác buồn nôn, kích ứng dạ dày, đau dạ dày cấp,…
– Nếu như bạn đang gặp phải vấn đề về gan hoặc đang uống các loại thuốc chữa bệnh gan, tuyệt đối không sử dụng rau mùi để ăn hàng ngày. Bởi loại rau này làm gia tăng nồng độ dịch mật trong gan.
– Sau khi mua rau mùi về, hãy nhặt sạch, bỏ rễ rồi rửa với nước sạch. Sau đó đợi cho ráo nước thì bạn hãy cất rau vào túi nilon kín hoặc túi zip rồi để trong ngăn mát tủ lạnh.