Chế độ ăn phù hợp cho người bị viêm loét dạ dày – tá tràng cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng quan trọng. Đồng thời tránh các loại thực phẩm có khả năng gây kích ứng, nhằm giúp giảm đau và phục hồi tổn thương niêm mạc dạ dày – tá tràng.
1. Chế độ ăn uống không hợp lý có thể gây viêm loét dạ dày – tá tràng
Theo ThS. BS. Nguyễn Ngọc Đan, chuyên khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng rất đa dạng nhưng thường gặp nhất là do chế độ ăn uống không hợp lý như: Bệnh nhân lạm dụng quá nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cafe; Ăn đồ quá cay nóng, nhiều chất béo, chiên, xào; Ăn không đúng bữa, ăn vội vàng, nhai không kỹ…
Ngoài ra, chế độ sinh hoạt không điều độ, lạm dụng thuốc, nhiễm vi khuẩn HP và một số nguyên nhân khác như: stress, căng thẳng kéo dài… cũng được coi là yếu tố thuận lợi gây viêm loét dạ dày – tá tràng.
Khi bị viêm loét dạ dày – tá tràng, niêm mạc dạ dày – tá tràng bị tổn thương với những vết loét sâu xuống lớp cơ niêm mạc, gây ra những cơn đau khó chịu cho người bệnh.
Người bệnh thường có cơn đau âm ỉ, nóng rát vùng thượng vị; ợ hơi, ợ nóng, khó tiêu, chướng bụng; buồn nôn, nôn…
Niêm mạc dạ dày – tá tràng bị tổn thương trong bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.
Bệnh viêm loét dạ dày tá – tràng nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: hẹp môn vị, chảy máu ổ loét dạ dày, tá tràng; thủng ổ loét, thậm chí là ung thư dạ dày. Vì vậy người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm, làm một số xét nghiệm chẩn đoán chính xác để có biện pháp điều trị phù hợp.
Các biện pháp điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng bao gồm dùng thuốc, kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.
ThS. BS Vũ Hồng Anh, BV Đa khoa Trung ương Thái NguyênCần có chế độ dinh dưỡng tốt, thích hợp cho người mắc bệnh về dạ dày: Không nên ăn quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng; không nên ăn quá nhiều chất béo, các chất kích thích như trà, cà phê…; không uống rượu, không hút thuốc lá; không nên ăn quá nhanh, nhai không kỹ; cần ăn đúng bữa, đúng giờ…https://suckhoedoisong.vn/viem-loet-d…
2. Người bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng nên ăn gì?
Chế độ ăn phù hợp giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét và giảm kích ứng niêm mạc dạ dày – tá tràng. Nó cũng hạn chế sản xuất axit dư thừa, có thể làm trầm trọng thêm vết loét.
Thực phẩm không gây loét và cũng không thể chữa khỏi chúng. Tuy nhiên một số loại thực phẩm giúp phục hồi các mô bị tổn thương, trong khi những loại khác lại gây kích ứng vết loét và đe dọa lớp bảo vệ tự nhiên của đường tiêu hóa.
Người bệnh nên ăn các loại thực phẩm sau:
– Protein nạc: Thịt gia cầm bỏ da, thịt bò, cá, trứng, đậu phụ, đậu Hà Lan… là những nguồn cung cấp protein ít chất béo tốt cho người bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng.
– Các loại cá béo: cá hồi, cá thu và cá mòi cung cấp axit béo omega-3 có thể làm giảm viêm và có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa một vết loét khác.
– Bánh mì và ngũ cốc: Bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt và ngũ cốc nguyên hạt hoặc đã tách hạt như: yến mạch, hạt quinoa, kê, miến… là những nguồn cung cấp chất xơ dồi dào nên đưa vào chế độ ăn uống của người bệnh.
– Rau: Các loại rau lá xanh, rau màu đỏ tươi và cam, rau họ cải (như bông cải xanh, súp lơ và cải xoăn) chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa đặc biệt tốt cho sức khỏe tổng thể và bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.
Cần lưu ý tránh ớt cay và cà chua, hoặc các sản phẩm làm từ chúng, nếu chúng khiến người bệnh bị trào ngược. Hạn chế rau sống vì ăn rau sống khó tiêu hóa.
– Trái cây: Trái cây tươi như các loại quả mọng, táo, nho, lựu… chứa chất xơ và chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe người bệnh. Trong trường hợp ăn trái cây họ cam quýt gây kích thích trào ngược thì không nên ăn.
– Sữa lên men như sữa chua cung cấp men vi sinh (vi khuẩn có lợi) cùng với protein. Vì vậy chúng là lựa chọn tốt.
– Các loại thảo mộc và gia vị: Người bệnh có thể sử dụng hầu hết các loại thảo mộc và gia vị nhẹ vì chúng là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa. Một số loại nên ăn bao gồm: nghệ, quế, gừng và tỏi, chúng có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Đối với chất tạo ngọt, nên sử dụng mật ong thay đường.
Người bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng nên ăn thịt gia cầm bỏ da.
3. Thực phẩm cần hạn chế
Rượu bia: Người bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng cần hạn chế tối đa uống rượu bia vì chúng là chất kích thích dạ dày và sẽ làm chậm quá trình chữa lành vết loét.
Caffeine: Người bệnh nên hạn chế hoặc ngừng uống cà phê, trà và nước ngọt có chứa caffein. Chúng có thể làm tăng sản xuất axit trong dạ dày.
Thực phẩm giàu chất béo: Cố gắng tránh một lượng lớn chất béo bổ sung, có thể làm tăng axit dạ dày và kích hoạt trào ngược. Không nên ăn các loại thịt tẩm nhiều gia vị, xúc xích, các loại thịt chiên rán.
Thức ăn cay: Thức ăn cay không gây loét. Tuy nhiên, chúng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.
Thức ăn mặn: Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thức ăn mặn có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn HP. Vì vậy người bệnh nên tránh các thực phẩm chứa nhiều muối.
Sôcôla: Sôcôla có thể làm tăng sản xuất axit trong dạ dày và một số người nhận thấy rằng nó gây ra các triệu chứng trào ngược.
Thức ăn cay không gây loét nhưng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.
Người bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng cần lưu ý
– Nên ăn thức ăn nấu mềm, chín, giàu dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho niêm mạc dạ dày ruột như: Sữa, cháo, súp hay các món hầm mềm, ninh. Tránh ăn thực phẩm thô cứng, nhiều xơ, gân…
– Khi ăn nên nhai kỹ, ăn chậm. Sau khi ăn không nên vận động mạnh, không chạy nhảy, tập thể dục hay làm việc quá sức ngay.
– Nên ăn nhiều bữa trong ngày. Không ăn no quá hay để đói quá. Bữa cuối nên cách giờ đi ngủ khoảng 3 giờ. Không ăn khuya quá tránh để dạ dày hoạt động quá tải về đêm.