Khi phát hiện trẻ mắc COVID-19, cha mẹ cần bình tĩnh theo dõi và xử trí các triệu chứng phù hợp theo đúng hướng dẫn. Đặc biệt, cần lưu ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ thật tốt để trẻ nhanh hồi phục, đảm bảo sự phát triển thể chất của trẻ.
1. Cách chăm sóc theo dõi trẻ mắc COVID-19 tại nhà
Theo Hướng dẫn theo dõi và chăm sóc trẻ em mắc COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, trẻ mắc COVID-19 được điều trị tại nhà khi không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không khó thở, không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở bình thường theo tuổi). Không có bệnh nền hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
– Trong trường hợp trẻ sốt cần dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 38,50 C: Dùng Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (uống hoặc đặt hậu môn, cách tối thiểu 4 – 6 giờ nếu cần nhắc lại). Lưu ý tổng liều thuốc không quá 60 mg/kg/ngày.
– Dùng thuốc cân bằng điện giải khi mất nước (do sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi):
+ Cha mẹ cần khuyến khích trẻ uống nhiều nước, có thể sử dụng nước trái cây hoặc Oresol (pha và dùng theo đúng hướng dẫn).
+ Nếu trẻ không muốn uống Oresol có thể thay thế bằng nước đun sôi để nguội, nước trái cây. Không sử dụng các dung dịch nước ngọt công nghiệp (không sản xuất từ hoa quả) để bù nước;
– Dùng các thuốc điều trị triệu chứng khi cần thiết:
+ Ho: Có thể dùng các thuốc giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc).
+ Ngạt mũi, sổ mũi: Xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorua 0,9%.
+Tiêu chảy: Dùng men vi sinh, men tiêu hóa.
– Với trẻ đang được sử dụng các thuốc điều trị bệnh nền theo đơn ngoại trú thì tiếp tục sử dụng theo hướng dẫn.
– Cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, ăn uống đủ chất, tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh.
Cha mẹ cần chú ý chăm sóc, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ mắc COVID-19.
2. Nguyên tắc dinh dưỡng đối với trẻ mắc COVID-19
2.1. Cho trẻ ăn đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng
– Chế độ ăn cho trẻ mắc COVID-19 cần cân đối hàng ngày với 4 yếu tố chính:
- Lipid (lipid động vật và lipid thực vật).
- Vitamin và khoáng chất.
- Thành phần các chất sinh năng lượng (protein, lipid, carbohydrate).
- Protein (protein động vật và thực vật). Trẻ phải ít nhất có 1 bữa ăn trong ngày có cân đối khẩu phần.
– Hàng ngày phải ăn ít nhất là 5 trong 8 nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm).
– Cung cấp đủ nước, đặc biệt là nước trái cây tươi.
Dinh dưỡng cho trẻ mắc COVID-19 cần đầy đủ, cân bằng.
– Khuyến khích trẻ 1-2 tuổi uống sữa công thức tối thiểu 600ml/ngày (trẻ không có sữa mẹ) và trẻ >2 tuổi 500ml/ngày sữa công thức theo tuổi/ngày đủ đáp ứng dinh dưỡng cho tăng trưởng và cân bằng dinh dưỡng (không cần bổ sung đa vi chất).
– Trường hợp trẻ kém ăn, ăn không đủ lượng theo khuyến nghị thì phải dùng công thức hỗ trợ dinh dưỡng đường uống có đậm độ năng lượng cao (1Kcal/ml) thay thế hoàn toàn hay một phần cho sữa công thức thông thường.
– Cho trẻ ăn những món hợp khẩu vị mà trẻ thích, thức ăn dễ tiêu hóa và có giá trị dinh dưỡng cao.
– Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt (khuyến nghị lượng đường <5% tổng năng lượng ăn vào).
– Hạn chế ăn quá mặn.
– Tránh uống nước ngọt công nghiệp.
Không nên cho trẻ uống nước ngọt có gas.
2.2. Theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ
Cha mẹ cần theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ để xác định xem trẻ có khả năng sẽ bị suy dinh dưỡng cấp hay không:
– Theo dõi cân nặng định kỳ cho trẻ, nếu có thể được 3-5 ngày/lần. Nếu trẻ có sụt cân từ 1-2%/1 tuần cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được hướng dẫn thích hợp.
– Đánh giá biểu hiện đường tiêu hóa hàng ngày của trẻ như: chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng bởi chúng sẽ làm suy giảm lượng thức ăn và giảm hấp thụ.
– Theo dõi lượng thức ăn trẻ ăn vào/ngày. Nếu lượng thức ăn trẻ ăn vào <70% nhu cầu bình thường so với tuổi, cần được tư vấn cụ thể bởi nhân viên y tế.
3. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ theo lứa tuổi
3.1. Đối với trẻ từ 12-24 tháng tuổi
– Bú mẹ hoặc dùng sữa công thức theo đúng lứa tuổi khi không có sữa mẹ.
– Ngày ăn 3 bữa cháo đặc, mỗi bữa 250ml + hoa quả nghiền: 60ml -100ml.
3.2. Đối với trẻ từ 2-5 tuổi
Độ tuổi này, nhu cầu năng lượng của trẻ khoảng 1000-1300 Kcal; Protein: 13-20%; Lipid: 30-40% Lượng thực phẩm trẻ dùng trong 1 ngày bao gồm:
- Gạo: 130g
- Thịt cá: 145g
- Hoa quả: 150g
- Rau xanh: 150g
- Dầu ăn: 20ml
- Sữa công thức: 300ml
3.3. Đối với trẻ từ 6-9 tuổi
Nhu cầu năng lượng: 1500-1800 Kcal; Protein:13-20%; Lipid: 25-35%. Lượng thực phẩm trẻ dùng trong 1 ngày bao gồm:
- Gạo: 200g
- Thịt cá: 190g
- Hoa quả: 150g
- Rau xanh: 170g
- Dầu ăn: 25ml
- Sữa công thức: 400ml
3.4. Đối với trẻ từ 10-12 tuổi
Nhu cầu năng lượng: 2000-2100 Kcal; Protein:13-20%; Lipid: 20-30%. Lượng thực phẩm trẻ dùng trong 1 ngày bao gồm:
- Gạo: 260g
- Thịt cá: 230g
- Hoa quả: 160g
- Rau xanh: 200g
- Dầu ăn: 30ml
- Sữa công thức: 500ml
3.5. Đối với trẻ từ 13-15 tuổi
Nhu cầu năng lượng: 2300-2500 Kcal; Protein: 13-20%; Lipid: 20-30%. Lượng thực phẩm trẻ dùng trong 1 ngày bao gồm:
- Gạo: 330g
- Thịt cá: 290g
- Hoa quả: 170g
- Rau xanh: 250g
- Dầu ăn: 30ml
- Sữa công thức: 500ml
Tăng cường rau xanh và trái cây tươi trong bữa ăn của trẻ.