Bưởi là trái cây ngon và giàu dinh dưỡng được nhiều người ưa thích. Ăn bưởi giúp tăng cường sức đề kháng, chống viêm, tăng cường thị lực…
1. Thành phần dinh dưỡng của bưởi
Bưởi là một trong những loại trái cây giàu chất dinh dưỡng. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một khẩu phần hoặc nửa quả bưởi (123g) chứa 52 calo, 0,9g protein, 13g carbohydrate, 0,2g chất béo, 1g chất xơ… Ngoài ra, bưởi giàu chất chống ôxy hóa như bioflavonoid và các chất dinh dưỡng thực vật như lycopene và beta-carotene.
Bưởi là một nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời, cung cấp gần 64% nhu cầu hàng ngày trong một khẩu phần ăn. Nó cũng là một nguồn beta carotene dồi dào để cơ thể chuyển hóa thành vitamin A, cung cấp 28% nhu cầu hàng ngày.
Bưởi cung cấp một lượng nhỏ các khoáng chất như kali, canxi và magiê.
Bưởi giàu vitamin và khoáng chất.
2. Lợi ích của bưởi đối với sức khỏe
Bưởi là thực phẩm chứa hàm lượng vitamin C cao, có đặc tính chống ôxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi những vi khuẩn và virus có hại. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vitamin C có lợi trong việc giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn sau cảm lạnh thông thường.
Đặc biệt, vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc làm lành vết thương, giúp tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại hiện tượng nhiễm trùng, mưng mủ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng quá trình phục hồi mô và vết thương diễn ra nhanh hơn khi bổ sung vitamin C.
Nhiều loại vitamin và khoáng chất khác có trong bưởi có lợi cho khả năng miễn dịch, trong đó có vitamin A được chứng minh là giúp bảo vệ chống lại chứng viêm và một số bệnh truyền nhiễm; Vitamin B, kẽm, đồng, sắt… giúp duy trì sự toàn vẹn của làn da, hoạt động như một hàng rào bảo vệ giúp kháng lại tình trạng nhiễm trùng.
Vitamin A có trong bưởi ở dạng tiền chất của beta carotene, rất quan trọng đối với thị lực bình thường. Vitamin A cũng có thể đóng một vai trò trong việc kiểm soát bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung thực phẩm có chứa vitamin A, vitamin C và các chất dinh dưỡng khác có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh thoái hóa điểm vàng đến 25%.
Bưởi giúp tăng cường thị lực.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn bưởi có liên quan đến việc giảm mức cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt trong máu cao hơn. Nó cũng có thể giúp giảm huyết áp ở người lớn thừa cân.
3. Người ung thư có ăn bưởi được không?
Theo Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện K), một số nghiên cứu chỉ ra furanocoumarins trong bưởi có khả năng chống ôxy hóa, chống lại sự phát triển của tế bào lạ chống viêm và tăng cường sức khỏe xương. Ngoài ra, bưởi là loại hoa quả có chỉ số đường huyết thấp (GI: 25), có hàm lượng chất xơ ổn định nên được dùng cho bữa ăn của bệnh nhân có đường máu cao.
Như vậy, thời điểm và mục đích sử dụng bưởi sẽ có những ảnh hưởng khác nhau đến tình trạng sức khỏe của con người. Việc sử dụng bưởi trong quá trình điều trị cần phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo lợi ích cho người bệnh.
Bưởi là thực phẩm chứa hàm lượng vitamin C cao
4. Ăn bưởi khi nào là tốt nhất?
Thời điểm tốt nhất để ăn bưởi là sau bữa cơm, hoặc đã ăn một chút gì lót dạ trước đó. Lúc này, bưởi sẽ phát huy mạnh mẽ công dụng cải thiện tiêu hóa và đốt mỡ, đồng thời cũng hạn chế việc tăng cholesterol trong máu.
Bưởi nên được ăn ngay sau khi tách múi, vì để quá lâu sẽ làm mất nước và không còn ngon như trước. Có thể ăn nhiều bưởi vào buổi sáng, ăn khoảng 2-3 múi bưởi sau mỗi bữa ăn khoảng 30 phút để tận dụng tối đa lợi ích. Tốt nhất vẫn nên kết hợp thêm với các loại trái cây khác để bổ sung đầy đủ vitamin.
Bưởi là một món ăn nhẹ tuyệt vời hoặc một phần của bữa ăn. Nếu kết hợp ăn bưởi cùng với sữa chua hoặc một số ít các loại hạt sẽ tạo ra một bữa ăn nhẹ đầy đủ dưỡng chất hơn.
Mời độc giả xem thêm video
Người mắc Omicron sẽ lây truyền bệnh COVID trong ít nhất 6 ngày.