Chế độ dinh dưỡng đầy đủ có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của sĩ tử, nhất là khi mùa thi sắp đến. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ học quá nhiều, thức khuya dậy muộn thường bỏ bữa sáng hay ăn kiêng tinh bột gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và kết quả học tập, thi cử.
Tháng 4 là thời điểm mùa thi đã gần kề, các sĩ tử bắt đầu tăng tốc cho việc ôn luyện kiến thức. Thực tế, có một số trường hợp trẻ mải học quên ăn, thức khuya dậy muộn bỏ bữa sáng hay một số trẻ thừa cân ăn kiêng tinh bột khiến lượng đường trong máu bị xuống thấp gây chóng mặt, run rẩy, thậm chí bị ngất xỉu… Vậy tinh bột quan trọng như thế nào với sức khỏe và hoạt động trí não của sĩ tử?
1. Vai trò của tinh bột với hoạt động của trí não
Tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể và glucose là một loại đường chủ yếu được cung cấp từ thực phẩm giàu tinh bột như: gạo, bánh mì, ngũ cốc, ngô, khoai, sắn…
Cơ thể có thể phân hủy carbohydrate tiêu hóa trong những thực phẩm này thành glucose, được vận chuyển trong máu đến não và các cơ quan khác để tạo năng lượng.
Não là cơ quan tiêu thụ nhiều glucose nhất trong cơ thể. Để não hoạt động tốt thì lượng đường trong máu cần ổn định (không nên quá thấp hay quá cao).
Các nghiên cứu cho thấy sự sụt giảm về lượng glucose có thể có tác động tiêu cực đến sự tập trung, trí nhớ, học tập và nhận thức. Bộ não cũng sử dụng nhiều glucose hơn trong các thời điểm trí não cần tập trung cao độ.
Glucose có ảnh hưởng đáng kể đến tâm trạng và hành vi, chúng cũng quan trọng không kém đối với sức khỏe tâm thần. Những người áp dụng chế độ ăn ít chất béo, ít carbohydrate trong một năm có nhiều lo lắng, trầm cảm và tức giận hơn những người theo chế độ ăn ít chất béo, nhiều carbohydrate. Nếu không có đủ glucose, hệ thống thần kinh trung ương sẽ bị ảnh hưởng, có thể gây chóng mặt hoặc suy nhược tinh thần và thể chất…
Thiếu tinh bột có tác động tiêu cực đến sự tập trung, trí nhớ, học tập và nhận thức.
2. Ăn tinh bột như thế nào là đủ?
Do não bộ nhạy cảm với sự sụt giảm nồng độ đường huyết trong thời gian ngắn và phản ứng tích cực với sự gia tăng mức độ này. Do đó, điều đặc biệt quan trọng là giữ cho lượng đường trong máu ở mức tối ưu để có chức năng nhận thức tốt. Ăn đầy đủ các bữa ăn giàu dinh dưỡng có thể giúp đạt được mục tiêu này.
Để có sức khỏe tốt, cơ thể cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm:
– Tinh bột (chủ yếu từ gạo, các loại ngũ cốc).
– Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ…).
– Chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật).
– Vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả tươi…).
Riêng nhóm tinh bột cần cung cấp 60% năng lượng hàng ngày, tương đương với 400g gạo. Như vậy, một ngày chúng ta có thể ăn 3 bữa chính: bữa sáng, trưa, tối. Bữa sáng có thể ăn cháo, phở, mỳ, bún, bánh mì… Bữa trưa và tối mỗi bữa ăn khoảng 2 bát cơm.
Sĩ tử nên ăn đủ tinh bột chủ yếu từ gạo và các loại ngũ cốc.
3. Vì sao sĩ tử không nên ăn kiêng, bỏ bữa sáng?
Các nghiên cứu ở trẻ em và thanh thiếu niên đã chỉ ra rằng ăn sáng có thể giúp cải thiện hoạt động trí óc bằng cách tăng cường khả năng trong các công việc liên quan đến trí nhớ và sự chú ý.
Thông thường sau bữa tối qua một đêm đến 6 giờ sáng hôm sau là khoảng 10-12 tiếng chúng ta không ăn gì. Lúc này cơ thể cần phải bổ sung năng lượng và chuẩn bị năng lượng cho cả một ngày làm việc mới.
Bỏ bữa sáng sẽ gây cảm giác đói cồn cào, run rẩy, hạ huyết áp, hạ đường huyết… khiến chúng ta tạm thời không thể tập trung làm việc hay học tập, chưa kể những ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe tổng thể, hệ tiêu hóa và hoạt động của trí não.
Đối với một số trẻ thừa cân, béo phì có thể đang sử dụng một số chế độ ăn uống giảm cân không khuyến khích tiêu thụ nhiều tinh bột vì chúng có thể gây béo phì và tăng lượng đường trong máu. Nhưng để có đủ năng lượng cho hoạt động của cơ thể, đặc biệt là não bộ không nên kiêng tinh bột mà nên chọn loại carbohydrate lành mạnh phù hợp như: ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch, các loại đậu, khoai tây, khoai lang, rau, trái cây…
Bỏ bữa ăn sáng ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động trí óc của sĩ tử.
4. Một số tinh bột không lành mạnh cần hạn chế
– Nên hạn chế các loại đường hấp thu nhanh vào máu như bánh kẹo ngọt, nước ngọt… Vì chúng sẽ làm đường huyết tăng nhanh và sau đó sẽ giảm nhanh. Hơn nữa các thức ăn này chỉ cung cấp “calo rỗng”, không cung cấp các chất dinh dưỡng khác.
– Hạn chế đồ ăn vặt như: đồ ăn nhẹ, mì ống, đồ ngọt, ngũ cốc ăn sáng, bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên…
Những thực phẩm này đều chứa nhiều carbohydrate, nhiều calo, muối, chất béo không lành mạnh, thiếu vitamin và khoáng chất. Nếu ăn nhiều và thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như: làm tăng đường trong máu, gây đầy bụng, khó tiêu, dễ mắc bệnh răng miệng, ảnh hưởng đến trí nhớ…