Hệ tiêu hoá khoẻ mạnh đồng nghĩa với hệ miễn dịch khoẻ mạnh, là chìa khoá phòng tránh bệnh tật. Ngày Sức khỏe tiêu hóa Thế giới 2022 với chủ đề “Khoẻ tiêu hoá – Khoẻ hơn mỗi ngày” đã chính thức được phát động bởi Báo Sức khoẻ&Đời sống và Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Tuy nhiên, theo thống kê, có đến 40% dân số thế giới bị các vấn đề mạn tính về đường tiêu hoá; 62% dân số đang gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khoẻ tiêu hoá phổ biến như đau dạ dày, khó tiêu…
1. Người Việt Nam chưa chú trọng đúng mức về sức khoẻ tiêu hoá
Theo TTND.GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chúng ta đã biết, từ xa xưa thông qua những những quan sát sinh hoạt hàng ngày, ông cha đã đúc kết một kinh nghiệm quan trọng, đó là “Bệnh từ miệng vào”. Cho tới ngày nay nhận xét này vẫn còn ý nghĩa xét từ góc độ khoa học.
Đường tiêu hoá, cụ thế là đường ruột là nơi tập trung tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch và cũng chính là địa điểm hệ miễn dịch và vi khuẩn gặp nhau. Hệ tiêu hoá khỏe mạnh là hệ tiêu hoá được hỗ trợ bởi hệ miễn dịch mạnh, bảo vệ cơ thể trước các tấn công liên tục từ các tác nhân gây bệnh trong thức ăn.
Dan Peterson, trợ lý giáo sư về bệnh lý học tại Đại học Y khoa Johns Hopkins Một phần lớn hệ thống miễn dịch của bạn thực sự nằm trong đường tiêu hóa của bạn.
Trên thực tế, dù thường xuyên tiếp xúc với một lượng lớn vi sinh vật, hệ thống niêm mạc ruột chỉ gồm một lớp tế bào để đảm bảo việc hấp thu nhanh dưỡng chất, nước và các chất điện giải cung cấp cho nhu cầu cơ thể. Để bảo vệ “biên giới” mỏng manh này, cơ thể thích nghi bằng cách tập trung các mô miễn dịch phía dưới niêm mạc ruột để kịp thời tối ưu hoá đáp ứng miễn dịch một cách liên tục. Các mô này cũng tiết kháng thể IgA để bảo vệ lớp màng nhầy thành ruột không bị tổn thương trong quá trình tiêu hoá.
Không chỉ vậy, miễn dịch đường ruột cùng với sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột cũng đang ngày càng được khẳng định là có vai trò quan trọng trong nhiều vấn đề sức khoẻ mạn tính như hội chứng ruột co thắt, hội chứng chuyển hoá, béo phì, đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, ung thư…
Tại Việt Nam, các vấn đề về sức khoẻ hệ tiêu hoá còn chưa được người dân chú trọng đúng mức trong đời sống sinh hoạt hằng ngày và trong phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe.
Đường tiêu hoá có vai trò quan trọng đối với sức khoẻ của hệ miễn dịch.
2. Vai trò của dinh dưỡng đối với sức khoẻ của hệ miễn dịch
Hệ tiêu hóa và hệ thống miễn dịch có mối quan hệ chặt chẽ bởi vì khi một bên cân bằng và khỏe mạnh thì bên kia cũng vậy. Đường tiêu hóa là điểm xâm nhập tiềm ẩn chính của các mầm bệnh và có thể khiến chúng ta bị bệnh. Do đó việc đảm bảo các mầm bệnh đó không xâm nhập vào cơ thể là tùy thuộc vào hệ thống miễn dịch của chúng ta.
Hệ thống miễn dịch có một vai trò đặc biệt quan trọng, đó là bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… gây bệnh. Nếu không có hệ thống miễn dịch, cơ thể chúng ta sẽ bị tấn công bởi vi khuẩn, virus, ký sinh trùng…
Hệ miễn dịch bao gồm một nhóm tế bào, protein và các cơ quan hoạt động cùng nhau để bảo vệ cơ thể khỏi vi trùng, vi rus, nấm và mầm bệnh. Khi nó hoạt động không hiệu quả, hàng phòng thủ của cơ thể trở nên yếu ớt, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus xâm nhập và gây bệnh.
Đường ruột và hệ thống miễn dịch hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy một cơ thể khỏe mạnh. Khi mọi thứ hoạt động trơn tru, ruột sẽ gửi tín hiệu cho sự phát triển của chức năng miễn dịch khỏe mạnh điều chỉnh các phản ứng miễn dịch. Đổi lại, hệ thống miễn dịch giúp cung cấp các vi sinh vật có lợi cho sức khỏe.
Khi hai yếu tố này có mối quan hệ tốt, cơ thể được trang bị để phản ứng với mầm bệnh và dung nạp vi khuẩn vô hại, ngăn ngừa phản ứng tự miễn dịch và đảm bảo sức khỏe tổng thể.
Có rất nhiều yếu tố đóng góp vào sức khỏe của hệ miễn dịch. Bên cạnh những yếu tố khách quan khó có thể thay đổi như: tuổi, giới, bộ gen, môi trường sống, thì cũng có những yếu tố chủ quan như: dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt, mức độ vận động… Trong đó vai trò của dinh dưỡng là đặc biệt nổi bật.
Nếu coi hệ miễn dịch như một thành trì thì dinh dưỡng chính là nguyên liệu xây nên thành trì đó thông qua các đa chất gồm protein, lipid, carbon hydrat là các viên gạch tạo nên thành phần hệ miễn dịch như kháng thể, cytokine, thụ thể…
Bên cạnh đó, các vitamin và khoáng chất là những mắt xích mấu chốt và các chất truyền tin giữ cho hàng rào luôn kết nối vững vàng. Hơn nữa, không kém phần quan trọng, dinh dưỡng cũng cung cấp nguồn năng lượng không thể thiếu để hệ miễn dịch vận hành trơn tru, sẵn sàng được kích hoạt một cách hiệu quả khi có tác nhân có hại xâm nhập.
Theo GS.TS Lê Danh Tuyên, các nghiên cứu trên thế giới cũng như nhiều nghiên cứu tại Viện Dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em có mối liên quan tới khả năng thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa và hô hấp, dẫn tới số ngày nghỉ học tăng lên, ảnh hưởng tới tăng trưởng và học tập của trẻ. Trên thực tế, các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiêu hóa và tình trạng suy dinh dưỡng có mối liên hệ qua lại.
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát biểu nhấn mạnh vai trò của dinh dưỡng với sức khoẻ tiêu hoá tại Lễ khởi động chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe tiêu hóa Thế giới 2022. Ảnh: Trần Minh
3. Cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để nâng cao sức khoẻ
Trên phương diện tổng thể, khi tình trạng dinh dưỡng được cải thiện thông qua bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, các vấn đề về sức khỏe cũng theo đó được nâng cao. Nói một cách khác, cơ thể cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ dẫn tới có đủ dự trữ dinh dưỡng. Dự trữ này sẽ được huy động để thực hiện các chức năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.
Gần đây, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, các nghiên cứu cho thấy những vấn đề về dinh dưỡng bao gồm cả suy dinh dưỡng và béo phì đều tăng khả năng diễn biến xấu trên bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ngoài ra, các thiếu hụt vi chất như vitamin D, kẽm, selen cũng làm suy giảm hệ miễn dịch và tăng nguy cơ tử vong trên bệnh nhân COVID-19.
Các can thiệp về dinh dưỡng, cụ thể là bổ sung vi chất phối hợp probiotic, prebiotic được báo cáo là có cải thiện và nâng cao miễn dịch, giảm tình trạng nhiễm khuẩn tiêu hóa và hô hấp trên trẻ em.
Như vậy, việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cả đa lượng và vi lượng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và củng cố hệ miễn dịch khỏe mạnh cũng như nâng cao sức khỏe tổng thể.
Bên cạnh đó, các bổ sung khác về dinh dưỡng như lợi khuẩn probiotic, các prebiotic nuôi dưỡng hệ vi khuẩn ruột cũng như các chất chống oxy hóa tự nhiên dạng polyphenol thực vật thông qua chế độ ăn đa dạng, nhiều rau củ quả… cũng giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bảo vệ sức khỏe lâu dài.
Dinh dưỡng đầy đủ giúp tăng cường miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của sức khoẻ tiêu hoá đối với sức khoẻ của người dân, với mong muốn chung tay xây dựng một cộng đồng khoẻ mạnh, sáng 5/5/2022, Chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe tiêu hóa Thế giới 2022 với chủ đề “Khoẻ tiêu hoá – Khoẻ hơn mỗi ngày” đã chính thức được phát động bởi Báo Sức khoẻ&Đời sống và Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Chương trình có sự đồng hành của Vinamilk và đồng hành truyền thông của Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital).
Chương trình được tổ chức thường niên vào tháng 5, đem đến cho người dân và cộng đồng những thông tin hữu ích, các giải pháp dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, giúp xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hoá khoẻ mạnh. Từ đó nâng cao sức khỏe miễn dịch cũng như sức khỏe tổng thể, giúp cơ thể tối ưu hóa việc phòng tránh bệnh tật”