Cuộc sống hiện đại với những áp lực trong công việc, cuộc sống tạo nên những thói quen có hại cho hệ tiêu hóa. Một hệ tiêu hóa kém, một đường ruột không khỏe mạnh sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
Một trong những bước đầu tiên để cải thiện hệ tiêu hóa kém đó là nhận biết những dấu hiệu suy giảm của hệ tiêu hóa và kích thích lợi khuẩn đường ruột để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
1. Vai trò của hệ tiêu hóa
Hệ tiêu hóa (đường tiêu hóa) là một ống xoắn dài bắt đầu từ miệng rồi đến thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và kết thúc ở hậu môn, phối hợp với nhau nhịp nhàng để vận chuyển và tiêu hóa thức ăn bằng các enzyme và hormone.
Hệ tiêu hóa là nơi biến thức ăn thành các chất dinh dưỡng, từ đó cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp cơ thể tăng trưởng và chữa lành các tế bào bị tổn thương.
Hệ tiêu hóa đóng vai trò cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Vì vậy, khi một bộ phận của hệ tiêu hóa bị trục trặc, toàn bộ hệ thống cũng hoạt động kém hiệu quả theo. Kết quả là cơ thể không có đủ năng lượng, chất dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh.
Hệ tiêu hóa đóng vai trò cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể.
2. Dấu hiệu nhận biết hệ tiêu hóa suy giảm
2.1 Đau dạ dày
Ăn uống không đúng giờ, áp lực công việc gây nên tình trạng căng thẳng, stress kéo dài là nguyên nhân gây ra tình trạng đau dạ dày. Những dấu hiệu bất thường ở vùng bụng như đau dạ dày, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy hay ợ chua, ợ nóng là những triệu chứng đầu tiên báo hiệu một hệ tiêu hóa không khỏe mạnh. Một hệ tiêu hóa kém sẽ khó khăn hơn trong việc hấp thụ thức ăn và loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể.
Bệnh dạ dày là một nhóm các bệnh lý phổ biến, dịch tễ rộng và điều trị gặp nhiều khó khăn, nhất là ở những giai đoạn muộn. Một số bệnh thường gặp như viêm loét dạ dày, trào ngược… có thể điều trị dứt điểm nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.
2.2 Thay đổi cân nặng
Khi không có sự điều chỉnh về thực đơn, số lượng bữa ăn hay chế độ luyện tập mà cơ thể vẫn tăng hay giảm cân thì đây có thể là dấu hiệu của hệ tiêu hóa không khỏe mạnh. Khi hệ tiêu hóa mất cân bằng, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng của cơ thể, điều hòa lượng đường trong máu và lưu trữ chất béo.
Giảm cân có thể được gây ra bởi sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong ruột non. Trong khi việc tăng cân có thể là do kháng insulin hoặc do ăn quá nhiều để bù đắp việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng.
2.3 Rối loạn giấc ngủ là biểu hiện của hệ tiêu hóa kém
Hệ tiêu hóa kém và suy yếu cũng là nguyên nhân góp phần gây ra rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngủ kém, và dẫn đến tình trạng mệt mỏi kéo dài. Nguyên nhân là do phần lớn hormone serotonin trong cơ thể, là loại hormone ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ được sản sinh ra trong ruột. Chính vì vậy, tổn thương ruột có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Một số rối loạn giấc ngủ cũng có liên quan đến nguy cơ đau cơ xơ hóa.
Hệ tiêu hóa kém gây rối loạn giấc ngủ.
2.4 Chán ăn, khó tiêu
Tình trạng chán ăn, khó tiêu, ăn kém, ăn không ngon miệng mà vẫn luôn cảm thấy đầy bụng là một biểu hiện cảnh báo hệ tiêu hóa đang hoạt động kém. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây mệt mỏi, sút cân nhanh. Việc không dung nạp thức ăn là kết quả của việc hệ tiêu hóa kém hấp thu hoặc không thể tiêu hóa một số loại thực phẩm. Điều này khác với dị ứng thực phẩm, khi mà hệ thống miễn dịch gây ra các phản ứng với một vài loại thực phẩm nhất định.
Ngoài ra, làm việc quá sức, dùng thuốc kéo dài, mắc bệnh loét dạ dày tá tràng, viêm ruột non, loạn khuẩn ống tiêu hóa, ung thư đại tràng… cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng chán ăn, khó tiêu. Khi chán ăn, khó tiêu kéo dài mà không tìm ra nguyện nhân thì cần đi khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân và tìm hướng điều trị kịp thời hiệu quả.
2.5 Buồn nôn và nôn
Buồn nôn và nôn là một phản ứng của cơ thể khi đường ruột chất chứa nhiều vi khuẩn. Đặc biệt, tình trạng nôn mửa sau khi ăn còn có thể là do nhiễm khuẩn, ngộ độc, ăn quá no, cơ thể dị ứng với đồ ăn hoặc gặp các vấn đề tâm lý như hồi hộp, lo lắng quá mức…
2.6 Thay đổi thói quen đại tiện
Người gặp vấn đề về tiêu hóa cũng có nguy cơ gặp phải chứng táo bón, tiêu chảy rất cao. Đặc biệt, thời gian đi đại tiện trong ngày cũng thay đổi thất thường. Nguyên nhân là do hàm lượng vi khuẩn có hại và có lợi trong cơ thể không ở mức cân bằng, lượng vi khuẩn có hại dư thừa nhiều hơn, từ đó tấn công thành ruột và gây ra các bệnh về đường ruột như viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích, ung thư đại tràng..
3. Những thực phẩm tốt nhất kích thích lợi khuẩn đường ruột
3.1 Trái cây và rau quả
Một chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi sẽ cung cấp cho cơ thể đủ chất xơ. Đây là một trong những thành phần phổ biến trong thực phẩm, cũng có vai trò quan trọng với hệ tiêu hóa và sức khỏe con người. Bổ sung lượng chất xơ phù hợp giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, thúc đẩy việc giảm cân, ngừa táo bón và các bệnh lý khác. Cần tăng cường ăn táo, cam, mâm xôi, việt quất, dâu tây, đào, cải Brussels, rau bina, cải xoăn, bơ, bông cải xanh, bí xanh…
Cam giúp kích thích lợi khuẩn đường ruột.
3.2 Quả hạch và hạt
Một nguồn chất xơ và polyphenol tốt khác có trong các loại hạt và hạt cũng chứa chất béo lành mạnh có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và mức độ phản ứng của cơ thể với đường. Điều này là do việc kết hợp các loại hạt có chứa chất béo lành mạnh và carbohydrate có thể giúp ngăn ngừa tăng đột biến lượng đường trong máu.
Những thực phẩm giúp cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa là hạnh nhân, quả óc chó, hạt điều, hạt thông, hạt chia, hạt bí ngô, hạt hướng dương…
3.3 Thực phẩm prebiotic
Nhiều loại trái cây, rau, quả hạch, ngũ cốc và các loại đậu cũng chứa prebiotics, một loại chất xơ cụ thể cung cấp năng lượng cho vi khuẩn đường ruột tốt.
3.4. Các loại đậu
Ngoài hàm lượng chất xơ cao, các loại đậu như đậu gà, đậu lăng… có một loại chất xơ prebiotic gọi là galactooligosaccharide, cung cấp vi khuẩn đường ruột tốt.
3.5 Ngũ cốc nguyên hạt
Những loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, hạt quinoa, yến mạch, bột mì nguyên cám… là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời cho hệ vi sinh vật của cơ thể. Chúng cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng khác và có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch.
3.6 Thực phẩm lên men probiotic
Những thực phẩm này có vi khuẩn sống trong chúng và giúp tăng cường sự đa dạng của vi khuẩn đường ruột. Chúng cũng làm tăng sản xuất axit linoleic liên hợp, một axit béo omega-6, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường typ 2.
Sữa chua là thực phẩm giúp cải thiện vi khuẩn đường ruột.
4. Thay đổi lối sống giúp cải thiện sức khỏe đường ruột
Chế độ ăn uống không phải là cửa ngõ duy nhất để có sức khỏe đường ruộtkhỏe mạnh. Mỗi người có thể giúp cân bằng hệ tiêu hóa bằng cách thay đổi lối sống.
4.1 Ngủ đủ giấc
Việc không ngủ đủ số giờ hoặc chất lượng giấc ngủ kém có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hệ tiêu hóa. Khi đó, hệ tiêu hóa suy giảm lại ảnh hưởng ngược lại và gây ra nhiều vấn đề về giấc ngủ hơn cho người bệnh.
Đối với người lớn, hãy cố gắng ngủ ít nhất từ 7 đến 8 tiếng không gián đoạn mỗi buổi đêm. Nếu cảm thấy khó ngủ hay có các vấn đề về rối loạn giấc ngủ, hãy tìm đến bác sĩ để có những biện pháp giúp cải thiện giấc ngủ.
4.2 Ăn chậm nhai kỹ
Nhai thật kỹ thức ăn và ăn chậm rãi có thể giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt đối với người có hệ tiêu hóa kém sẵn. Việc này cũng có thể giúp giảm các triệu chứng khó chịu trong quá trình tiêu hóa thức ăn và duy trì một đường ruột khỏe mạnh.
4.3 Uống đủ nước
Uống đủ nước hàng ngày giúp duy trì sự cân bằng của vi khuẩn tốt trong ruột. Uống đủ nước là một cách đơn giản, tiết kiệm nhưng hiệu quả để thúc đẩy hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
4.4 Bổ sung men vi sinh giúp cải thiện lợi khuẩn đường ruột
Ngoài các biện pháp tự nhiên, để hỗ trợ hệ tiêu hóa kém cũng như tăng cường hệ miễn dịch, sử dụng nấm men vi sinh là một lựa chọn phù hợp. Men vi sinh được biết đến là chế phẩm có chứa các vi sinh vật có lợi. Bổ sung men vi sinh sẽ giúp thiết lập và duy trì hoạt động hiệu quả của đường ruột, đặc biệt với những người đang mắc phải các vấn đề tiêu hóa hoặc những người có hệ tiêu hóa kém hấp thu.
Tuy nhiên, không tự ý bổ sung hoặc lạm dụng men vi sinh có thể khiến các vi khuẩn có lợi do cơ thể sản xuất ra bị hạn chế, không chủ động vai trò lợi khuẩn vì phụ thuộc vào men vi sinh bổ sung.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Phát động chương trình truyền thông thường niên hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hoá Thế giới 29/5.