Số lượng trẻ em mắc COVID-19 đang tăng khá cao. Để hạn chế bệnh diễn biến nặng, xảy ra biến chứng thì cần chăm sóc tốt dinh dưỡng cho trẻ. Trong đó cần đặc biệt lưu ý đối với những trẻ có bệnh nền, tình trạng sức khỏe không tốt như bị thiếu máu.
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Khoa Nhi Bệnh viện Quân y 103, bệnh nhi F0 bị thiếu máu cần ăn đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng, đa dạng loại thực phẩm để duy trì thể trạng, thể chất bình thường.
Vậy trẻ mắc COVID nên ăn gì, nhất là những trẻ thiếu máu?
– Bổ sung thêm một đến hai bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, đặc biệt khi ăn uống giảm sút do sốt, ho, mệt mỏi…
– Ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc, đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng.
– Ăn tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, thêm chút gia vị như: tỏi, gừng… để tăng cường sức đề kháng.
Tăng cường cho trẻ uống sữa mỗi ngày.
– Với những trẻ bị sốt, cha mẹ cần tích cực cho trẻ uống nước, dung dịch oresol, nước ép hoa quả (ổi, cam…) để bổ sung chất khoáng vì khi sốt bé thường mất nước. Động viên, khuyến khích trẻ uống sữa công thức mỗi ngày, liều lượng tùy theo độ tuổi để đủ đáp ứng dinh dưỡng cho tăng trưởng và cân bằng dinh dưỡng. Tuyệt đối không ăn uống kiêng khem khiến trẻ suy dinh dưỡng, lâu phục hồi.
– Bổ sung các vitamin nhóm B, D. Trẻ lớn tăng cường uống các loại nước ép, sinh tố, rau xanh. Trẻ nhỏ có thể uống theo hướng dẫn bác sĩ.
Bên cạnh ăn uống, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tích cực vận động nếu cơ thể không quá mệt mỏi. Cha mẹ có thể cho con tập thể dục nhẹ nhàng 15 phút mỗi ngày, duy trì các thói quen tốt để giữ tinh thần lạc quan chiến thắng bệnh tật.
2. Một số món cháo đơn giản, dễ làm tốt cho trẻ thiếu máu mắc COVID-19
2.1 Cháo sò điệp nấm rơm
Nguyên liệu: Gạo, sò điệp, nấm rơm, hành lá, dầu ăn, gia vị.
Cách chế biến: Sò điệp tẩm ướp gia vị khoảng 20 phút, sau đó phi hành và xào qua cho ngấm. Nấm rơm rửa sạch và cắt làm đôi, xào chín tới. Cháo nấu sôi, đun nhỏ lửa đến khi cháo sánh mịn thì cho sò điệp đã xào vào nấu sôi 2-3 phút, sau đó bỏ nấm rơm đã xào sơ vào, cho cháo sôi và tắt bếp. Cho trẻ ăn khi cháo còn nóng.
Cháo sò điệp nấm rơm.
2.2 Cháo hạt sen long nhãn
Cháo long nhãn hạt sen không chỉ là một món ăn ngon mà còn có khả năng điều trị bệnh, tốt cho trẻ F0 bị thiếu máu.
Nguyên liệu: Long nhãn khô 50g, hạt sen khô 50g, gạo 100g, gia vị đường hoặc muối tùy khẩu vị.
Cách chế biến: Gạo vo sạch, long nhãn, hạt sen rửa sạch để ráo nước. Cho gạo vào nồi, đổ nước đun sôi, rồi đun nhỏ lửa. Đến khi hạt gạo nở ra thì cho hạt sen và long nhãn đun đến khi hạt sen mềm, cháo sánh mịn. Tùy theo khẩu vị có thể thêm đường hoặc muối. Múc cháo ra bát và ăn khi còn nóng.
2.3 Cháo gan gà khoai lang
Gan gà mềm, ngọt lại dễ ăn rất thích hợp dùng làm món ăn cho trẻ nhỏ. Cháo gan gà bổ dưỡng, tốt cho trẻ F0 bị thiếu máu.
Nguyên liệu: Gan gà 60g, gạo tẻ 50g, khoai lang 40g.
Cách chế biến: Gan gà tách bỏ các màng xơ, rửa qua với nước cho sạch, rồi ngâm gan gà với sữa tươi không đường khoảng 20 phút. Vớt ra để ráo nước, thái nhuyễn.
Khoai lang gọt sạch vỏ, rửa sạch, cắt khúc rồi luộc khoai trong 20 phút. Sau khi khoai đã mềm, vớt ra dùng thìa nghiền nát.
Gạo tẻ vo sạch, cho vào nồi thêm nước, nấu đến khi cháo sánh mịn. Vặn nhỏ lửa, cho gan gà và khoai lang vào. Khuấy đều, nêm nếm gia vị cho vừa ăn, ăn cháo khi còn nóng.
Cháo gan gà khoai lang.
2.4 Cháo lươn
Nguyên liệu: Lươn 200g, gạo 50g, hành mùi, gia vị vừa đủ.
Cách chế biến: Lươn mua về làm sạch, hấp chín rồi gỡ phần thịt. Phần xương và đầu lươn đun trong khoảng 15-20 phút để lấy nước dùng, sau đó vớt phần xương và đầu bỏ đi.
Phi thơm hành, cho thịt lươn vào xào sơ cùng gia vị vừa ăn. Gạo đem nấu cháo, lấy nước hầm xương nấu cháo cho bổ dưỡng. Cháo chín nhừ thì cho thịt lươn vào đảo đều, nêm nếm lại cho vừa ăn là được. Múc cháo lươn ra bát, với trẻ lớn cho chút hành phi, hành lá, mùi, hạt tiêu xay. Ăn cháo lúc nóng.
2.5 Cháo gan lợn đậu xanh
Gan lợn chứa nhiều sắt, vitamin A, B, D, nicotinic và axid folic là những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Kết hợp gan lợn với đậu xanh sẽ có món cháo vô cùng bổ dưỡng.
Nguyên liệu: Gạo tẻ 100g, gan lợn 100g, đậu xanh 60g, hành mùi, gia vị vừa đủ.
Cách chế biến: Đậu xanh ngâm rồi đãi vỏ, gạo vo sạch. Gan lợn rửa nước muối rồi ngâm sữa tươi 15-20 phút, vớt ra để ráo nước thái miếng vừa ăn rồi ướp gia vị.
Cho gạo và đậu xanh vào nấu thành cháo. Cháo chín cho gan lợn vào, nêm gia vị vừa ăn, đun thêm khoảng 20 phút rồi bắc ra, cho hành lá vào rồi múc ra bát, ăn nóng.
2.6 Canh thịt gà rong biển nấm hương
Nguyên liệu: Thịt gà, rong biển, nấm hương, gia vị.
Cách chế biến: Thịt gà chặt miếng vừa ăn, ướp một chút muối. Rong biển rửa sạch, ngâm nước ấm 15 phút, sau đó xả lại bằng nước sạch, cắt miếng vừa ăn. Nấm hương ngâm nước ấm cho nở ra sau đó rửa sạch bằng nước lạnh, thái sợi hoặc cắt miếng nhỏ.
Hầm gà với nước cho nước ngọt và gà mềm, sau đó bỏ rong biển và nấm hương vào đun sôi một lúc, tắt bếp và nêm nếm gia vị vừa ăn.