Người bệnh đái tháo đường khi áp dụng chế độ ăn kiêng quá mức, bỏ bữa sau khi uống rượu… sẽ gây thiếu hụt đường huyết rất nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời, có thể dẫn đến biến chứng nặng nề.
Người bệnh đái tháo đường phần lớn có tâm lý sợ tăng đường huyết nên thường ăn kiêng, bỏ bữa, uống rượu hay tập thể dục mà không ăn…
1. Nguyên nhân gây hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường
Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) xảy ra khi lượng đường (glucose) trong máu của người bệnh từ 70mg/dL trở xuống.
Người bệnh thường ăn kiêng chất bột đường. Trong khi chất dinh dưỡng này là nguồn cung cấp glucose chính của cơ thể. Nếu không ăn đủ, lượng đường trong máu có thể giảm xuống. Điều này đặc biệt có thể xảy ra nếu người bệnh giảm lượng tinh bột nạp vào nhưng không điều chỉnh thuốc phù hợp.
Trong trường hợp người bệnh dùng insulin hoặc thuốc uống cho bệnh đái tháo đường mà ăn bữa ăn muộn hơn dự định hoặc bỏ bữa hoàn toàn có thể dẫn đến hạ đường huyết.
Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu xuống thấp.
Mặc dù tập thể dục là một trong những biện pháp góp phần kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, nếu người bệnh đái tháo đường tập thể dục mà không ăn hoặc tập thể dục nhiều hơn bình thường hay trì hoãn bữa ăn của mình sẽ rất dễ bị hạ đường huyết.
Không tuân thủ việc dùng thuốc, dùng quá nhiều insulin cũng gây hạ đường huyết. Trong trường hợp người bệnh đang dùng insulin hoặc thuốc uống trị đái tháo đường mà uống rượu có thể gây hạ đường huyết.
Giảm cân cũng có thể khiến người bệnh nhạy cảm hơn với insulin, dẫn đến việc cần ít hơn hoặc không cần dùng thuốc. Nếu tiếp tục dùng cùng một liều thuốc sau khi giảm cân, bạn có thể bị hạ đường huyết do tăng độ nhạy cảm…
2. Dấu hiệu hạ đường huyết
Khi bị hạ đường huyết, ban đầu người bệnh cảm thấy mệt, chân tay bủn rủn, da nhợt nhạt, vã mồ hôi lạnh, cảm giác cồn cào trong ruột, mạch nhanh, huyết áp tăng nhẹ, tim đập nhanh, run cơ, chóng mặt…
Nếu hạ đường huyết trầm trọng, người bệnh bắt đầu xuất hiện những cơn co giật và đi vào hôn mê ở các mức độ khác nhau và có nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Khi bị hạ đường huyết, người bệnh cảm thấy mệt, chân tay run, chóng mặt…
3. Xử trí hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường
Việc điều trị hạ đường huyết phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và mức độ giảm lượng đường trong máu.
Trong những trường hợp nhẹ, hạ đường huyết có thể được điều trị bằng thức ăn hoặc đồ uống có đường. Đối với tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng do bệnh đái tháo đường cần phải sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
– Hạ đường huyết nhẹ thường có thể được điều trị bằng các loại carbs có tác dụng nhanh được hấp thu nhanh trong ruột và thải vào máu trong vòng 5 đến 15 phút. Đây là những loại carbohydrate đơn giản không cần phải chia nhỏ trong quá trình tiêu hóa.
Thực phẩm cung cấp 15g carb hoạt động nhanh bao gồm:
- 1/2 đến 3/4 cốc nước ép trái cây các loại
- 1/2 cốc nước cam
- Một muỗng canh mật ong
- 2 muỗng canh nho khô
- 1 cốc sữa không béo
- 1 muỗng canh đường
- 1 muỗng canh xi rô
- 6-8 viên kẹo nhỏ
– Ăn xong nên nghỉ ngơi, sau 15 phút kiểm tra lượng đường trong máu.
– Nếu lượng đường trong máu vẫn dưới 70mg/dL, ăn thêm 15g carbohydrate.
– Lặp lại các bước này cho đến khi lượng đường trong máu đạt ít nhất là 70mg/dL.
– Sau khi hồi phục người bệnh nên đến cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng sức khỏe.
– Trong trường hợp người bệnh đã biểu hiện co giật, hôn mê, cần thông đường thở, kiểm tra nhịp thở, nhịp tim của bệnh nhân. Không cho ăn uống vì rất dễ bị suy hô hấp do sặc. Khi bệnh nhân hôn mê, các phản xạ nuốt rất kém hoặc mất dẫn đến tình trạng sặc dịch hầu họng, dịch vị, thức ăn… vào phổi gây viêm phổi, suy hô hấp nặng gây tử vong. Cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Hạ đường huyết nhẹ có thể được điều trị bằng đồ uống có đường như mật ong.
4. Chế độ ăn uống giúp kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường
Quản lý lượng đường trong máu để duy trì mức đường huyết phù hợp là một trong những biện pháp quan trọng nhất để kiểm soát và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Bên cạnh việc dùng thuốc, chế độ ăn uống cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý lượng đường trong máu.
Mặc dù không có một chế độ ăn uống phù hợp cho tất cả các bệnh nhân đái tháo đường vì tuỳ thuộc vào mức độ bệnh và tình trạng bệnh lý đi kèm, nhưng việc thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng từ tất cả các nhóm thực phẩm, ưu tiên các thực phẩm tự nhiên, toàn phần là rất quan trọng.
4.1. Rau củ
Ăn nhiều rau như bông cải xanh, cà rốt, rau bina, bí xanh và ớt chuông có hàm lượng carbohydrate thấp. Những loại rau này không ảnh hưởng nhiều đến lượng đường trong máu của người bệnh.
Người bệnh đái tháo đường nên hạn chế các loại thực vật giàu tinh bột như: khoai tây, ngô, đậu xanh… có thể khiến lượng đường trong máu tăng nhanh hơn so với các loại không có tinh bột.
4.2. Trái cây
Mặc dù trái cây có chứa carbohydrate nhưng nó lại chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ có lợi. Người bệnh nên chọn trái cây tươi, trái cây đông lạnh hoặc đóng hộp không thêm đường.
4.3. Ngũ cốc
Người bệnh nên đảm bảo ít nhất một nửa lượng ngũ cốc hàng ngày nên từ ngũ cốc nguyên hạt như: lúa mì, yến mạch, hạt quinoa, gạo lứt, bánh mì nguyên cám…
4.4. Thực phẩm giàu protein nạc
Thịt gà không da, trứng, các loại hạt và cá đều là những nguồn cung cấp protein nạc tuyệt vời. Cần lưu ý các loại đậu là nguồn cung cấp protein thực vật tốt, nhưng chúng cũng chứa khá nhiều carbohydrate.
4.5. Sữa ít chất béo
Người bệnh đái tháo đường nên cố gắng ăn sữa ít béo hoặc giảm chất béo và các sản phẩm từ sữa.
Người bệnh đái tháo đường nên ưu tiên ăn các thực phẩm tự nhiên, toàn phần.
5. Thực phẩm và đồ uống cần hạn chế để kiểm soát đường huyết
- Đồ chiên, nướng
- Thực phẩm giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
- Đồ uống có đường và đồ uống thể thao
- Thức ăn có thêm đường
- Thực phẩm chứa nhiều muối (natri)
- Rượu
Để phòng tránh các cơn hạ đường huyết nguy hiểm, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý: Tránh ăn kiêng quá mức. Không được bỏ bữa vì mệt mỏi hoặc do các bệnh lý khác. Ăn thêm đồ ăn nhẹ nếu tăng hoạt động thể chất…
Nếu có biểu hiện hạ đường huyết như: Mệt, chân tay bủn rủn, da nhợt nhạt, vã mồ hôi lạnh, cảm giác cồn cào trong ruột, tim đập nhanh, run cơ, chóng mặt… cần phải ăn hoặc uống ngay các loại carbs có tác dụng nhanh như nước đường, sữa, bánh kẹo, hoa quả ngọt để nhanh chóng nâng đường huyết lên. Sau đó nên đến cơ sở y tế để kiểm tra đánh giá tình trạng bệnh.