Kỳ nghỉ lễ năm nay, thời tiết mát mẻ, nhiều nơi còn se lạnh. Nhiều gia đình lựa chọn nghỉ ngơi tại nhà. Dưới đây là gợi ý một vài thực đơn phù hợp ăn uống tại nhà nhân dịp lễ 30/4-1/5.
Dạo qua một số chợ tại Hà Nội, bà con tiểu thương cho biết, ngày 1/5, các mặt hàng thực phẩm như thịt, tôm, cá và rau bán rất chạy. Các tiểu thương bán hàng cho biết, người dân đi mua hàng sớm để về làm liên hoan tại nhà.
Sáng ngày 1/5, bà con tiểu thương tại các chợ ở Hà Nội cho biết các mặt hàng như rau, thịt bán rất chạy
Bà Bùi Bích Lan (Mễ Trì – Hà Nội) cho biết, dịp nghỉ này gia đình bà tự tổ chức cho các con cháu ăn uống tại nhà: “Đây là dịp để mọi người trong gia đình gặp gỡ, ông bà, con cháu được vui bên nhau. Nếu đi du lịch xa vào dịp nghỉ lễ có thể sẽ gặp phải khả năng bị kẹt tàu xe, đông đúc. Hơn nữa, nhà tôi có các cháu nhỏ nên gặp gỡ, tổ chức bữa cơm đầm ấm tại nhà rất phù hợp với gia đình tôi”.
Chị Nguyễn Thị Hằng (Phú Thọ) cho hay, nhà chị cũng không đi du lịch xa những ngày này. “Mấy gia đình cùng xóm nhà tôi cùng nhau làm lẩu và các món nướng giao lưu cho vui vẻ. Đi chơi xa cũng lo khả năng bị nhiễm COVID-19 vì gia đình tôi có con sắp thi vào lớp 10 nên cần cẩn thận giữ gìn sức khỏe cho cháu. Ngoài ra, tự nấu ăn tại nhà sẽ an tâm hơn trong vấn đề chọn lựa nguồn thực phẩm, không sợ ăn phải thực phẩm động lạnh lâu ngày”- chị Hằng chia sẻ.
Một hàng hải sản tại chợ Nghĩa Tân Hà Nội có nhiều loại thực phẩm phong phú tươi, ngonThực đơn hấp dẫn khi ăn tiệc tại nhà
Thực đơn hấp dẫn khi ăn tiệc tại nhà
Chị Trần Cao Ngân – một người với nhiều năm kinh nghiệm tổ chức các bữa tiệc lớn cho biết, không cần quá cầu kỳ, nên lựa chọn các món đơn giản, dễ làm và sao cho các thành viên trong bữa tiệc đều có thể ăn được và cùng góp tay vào làm cỗ, tạo không khí vui vẻ, thân tình, ấm áp cho tất cả thành viên tham gia. Việc mọi người cùng góp sức vào làm cỗ cũng là cách giảm tải vất vả cho các chị em.
Ngoài ra nên chú ý, thành viên tham gia ăn tiệc, nếu có cả người lớn tuổi, người trung niên, trẻ con thì cần chế biến các món sao cho phù hợp với khẩu vị của từng nhóm tuổi. Ví dụ trẻ nhỏ sẽ không thể ăn đồ cay hoặc dai, cứng. Một số người lớn tuổi hoặc một số người ăn chay hay ăn kiêng (do có các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường…) thì cần có món ăn chế biến theo cách phù hợp để tránh tình trạng có những thành viên bị bỏ đói khi ngồi giữa mâm cỗ đầy”.
Chị Ngân cũng gợi ý, kỳ nghỉ này thời tiết mát mẻ, có mưa và gió lớn đêm ngày 30/4 và rạng sáng cùng ngày vì vậy, món nướng và món lẩu là hai món rất phù hợp để tổ chức tiệc tại nhà.
Với món lẩu, có thể chế biến với phong phú thực phẩm như: thịt lợn, bò, gà, hải sản…. Tuy nhiên, hạn chế sử dụng bếp gas du lịch để ăn lẩu. Nếu sử dụng bếp gas du lịch, cần chọn những bình gas mới, không hoen gỉ để tránh hiện tượng nổ bình gas. Luôn để mắt tới trẻ nhỏ để tránh xảy ra tai nạn bỏng ở trẻ. Không nên kéo dài bữa lẩu quá 2 tiếng đồng hồ. Thói quen ngồi ăn lẩu kéo dài vài giờ đồng hồ, vừa ăn vừa nói chuyện sẽ khiến dạ dày, đường ruột liên tục làm việc dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
Nên thay nước lẩu sau 60 phút vì nước lẩu càng về cuối bữa sẽ càng mặn. Lúc này, lượng purin, chất béo, natri và dầu mỡ trong nước lẩu tăng không tốt cho sức khỏe nhất là đối với người bị bệnh gout.
Mâm cơm gia đình nhà bà Bùi Bích Lan (Mễ trì – Hà Nội) với nhiều món tự chế biến.Cần nhúng thực phẩm chín kỹ rồi mới ăn.
Nên đợi nước lẩu sôi mới thả thực phẩm vào để bảo đảm đồ ăn đã được chín kỹ. Ăn thực phẩm chưa chín kỹ không bổ hay ngon, ngọt hơn như bạn nghĩ. Thực phẩm chưa chín kỹ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm khuẩn.
Nên thay nước lẩu sau 60 phút.
Không dùng chung một đôi đũa để gắp đồ sống, đồ chín. Làm như vậy, vi khuẩn trong thức ăn sống sẽ thâm nhập vào miệng của bạn.
Lẩu hấp dẫn nhưng cũng không nên ăn liên tục, vì ăn liên tục như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến tiêu hóa, rối loạn cân bằng dinh dưỡng… Để điều độ, bạn chỉ nên ăn lẩu với khoảng cách thời gian từ 1 tới 2 tuần một lần.
Cũng như món lẩu, món nướng có thể chế biến từ các loại thực phẩm phong phú như: thịt bò, thịt lợn, tôm, hải sản… Món nướng có thể thực hiện bằng cách nướng sẵn và bày ra mâm tiệc hoặc vừa nướng bằng bếp nướng, vừa ăn ngay tại chỗ. Vì vậy, món nướng có thể huy động được các thành viên của buổi tiệc cùng tham gia chế biến.
Tuyệt đối không nên nướng thực phẩm bằng ngọn lửa gas.
Ăn nướng, lẩu sao cho an toàn?
ThS. BS Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, muốn ăn món nướng ngon và an toàn, có một số lưu ý sau. Tất cả thực phẩm dù nướng dưới các hình thức khác nhau như than hoa hoặc bếp điện, từ, lò nướng đều phát sinh ra độc tố có hại cho sức khỏe. Đặc biệt lưu lý, tuyệt đối không nên nướng thực phẩm bằng ngọn lửa gas. Khi nướng trên bếp, thực phẩm sản sinh ra chất AGE dù là chất tạo ra vị thơm và màu sắc hấp dẫn cho món ăn nhưng chính chất này khi vào cơ thể sẽ gây tổn thương cho các mạch máu, mo lành, gây các bệnh tim mạch, xương khớp, thần kinh….
Để hạn chế độc hại khi nướng thực phẩm, nên dùng thịt nạc, loại bỏ mỡ, bỏ da để hạn chế tối đa mỡ rơi xuống ngọn lửa khi nướng gây nên độc tố.
Nên nướng thực phẩm ở nhiệt độ thấp hoặc vừa phải để hạn chế khói. Thường xuyên trở qua lại các món nướng để thịt có thể chín đều, tránh cháy xém một phía. Tốt nhất không nên để thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa.
Khi nướng bằng bếp than, bếp điện, bếp từ, cần nướng ở chỗ thoáng, không nên nướng thực phẩm khi ngồi trong phòng, nhất là phòng kín.
Tự tổ chức tiệc tại nhà là lựa chọn của nhiều người trong kỳ nghỉ Lễ
BS. Tiến cũng lưu ý thêm, không nên ăn những phần thịt bị cháy xém vì đó là nơi chứa nhiều chất độc nhất trong món nướng. Nếu vì thích hoặc vì tiếc mà ăn phần nước chảy ra từ thịt, cá nướng đọng lại trong giấy bạc gói thực phẩm thì không nên. Phần nước này tuy thơm, ngọt nhưng lại chứa nhiều chất độc.
Món nướng tuy ngon nhưng một tuần không nên ăn quá 1 bữa nướng. Sau khi ăn đồ nướng dịp này, ít nhất khoảng 1 tuần sau bạn mới nên ăn lại món nướng để cơ thể thải hết độc tố.
Xem thêm video đang được quan tâm:
7 lợi ích của vitamin C