Các chuyên gia khuyến cáo, những người mắc COVID-19 không nên nôn nóng muốn nhanh khỏi mà tẩm bổ yến quá mức khiến cơ thể không hấp thu hết vừa gây lãng phí vừa dễ gặp các tác hại không mong muốn có thể xảy ra.
Cách đây 2 tuần, cả gia đình chị Phương (ở Hà Đông, Hà Nội) cùng mắc COVID-19. Nghe mấy người đồng nghiệp cùng cơ quan mách, ăn yến giúp hồi phục sức khỏe nhanh, tránh di chứng về sau nên dù điều kiện kinh tế không mấy dư dả, chị Phương vẫn quyết định bỏ ra hơn 3 triệu đồng để mua tổ yến về chưng cho cả gia đình dùng.
Tuy nhiên, cặm cụi ngồi nhặt lông yến rồi chưng yến nhưng cả chồng chị và 2 con nhỏ lại không chịu hợp tác, ép mãi cũng chỉ ăn được vài miếng. Tiếc công, tiếc tiền thành ra, một mình chị Phương phải ăn hết cả bát yến to. Hậu quả, đêm hôm đó, bụng chị cứ ậm ạch khó chịu không yên.
Ảnh minh hoạ
Theo Đông y, tổ yến có vị ngọt, tính bình, tác dụng dưỡng âm, bổ phế, tiêu đàm, trừ ho, định suyễn. Vì vậy, tổ yến chủ yếu được dùng làm thực phẩm để bồi bổ cho cơ thể trong các trường hợp phế khí hư, âm hư, thường là dùng cho những người bị suy nhược cơ thể, biếng ăn, mất ngủ, người da khô, miệng khô.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, yến là một sản phẩm dinh dưỡng có chứa nhiều vi chất, một số axit amin, trong nước bọt của yến cũng có một số chất miễn dịch.
Do đó, thực phẩm này có tác dụng nâng cao hệ thống miễn dịch cho cơ thể giúp cơ thể chống chọi với bệnh tật cũng như bồi bổ để nhanh phục hồi sức khỏe, nhất là những người đã mắc COVID-19.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, yến tuy tốt nhưng không nên lạm dụng ăn quá nhiều sẽ gây đầy bụng, khó tiêu. Với những người mới mắc COVID-19 cũng không nên nôn nóng muốn nhanh khỏi mà tẩm bổ yến quá mức khiến cơ thể không hấp thu hết vừa gây lãng phí vừa dễ gặp các tác hại không mong muốn có thể xảy ra.
Đặc biệt, với một số người đang bị sốt, nhức đầu, ho nhiều đờm, viêm nhiễm ngoài da, viêm phế quản cấp… được khuyến cáo không nên dùng yến vì khi đó, cơ thể yếu không thể hấp thu các thực phẩm chứa quá nhiều chất dinh dưỡng như tổ yến, dễ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Cùng với đó, người đang bị đầy bụng, chướng bụng, ăn không tiêu, đau bụng, đi ngoài, phân lỏng, cơ thể hàn lạnh cũng không nên dùng yến để tránh các triệu chứng nặng thêm.
Với những người cao tuổi, việc sử dụng liên tục tổ yến sẽ tác động xấu đến hệ thống tiêu hóa. Cách sử dụng tổ yến một cách không khoa học sẽ làm cho người già bị khó chịu, chướng bụng, kéo theo nhiều hệ luỵ khác.
Ăn yến thời điểm nào là tốt nhất?
Nhiều người cho rằng, yến tốt nên có thể ăn bất kể thời điểm nào, ăn càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, quan niệm này là sai lầm. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, với những người khỏe mạnh, việc hấp thụ yến thường xuyên có thể không ảnh hưởng quá nhiều.
Tuy nhiên, đối với những người cao tuổi và bệnh nhân đang điều trị, ăn quá nhiều yến sẽ gây tác động xấu tới hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe nói chung. Do đó, người già và người bệnh chỉ nên ăn yến 2-3 lần/tuần.
Thời điểm ăn yến tốt nhất là vào buổi sáng. Đây là lúc cơ thể tiếp nhận các chất dinh dưỡng tốt nhất, do đó những chất quý trong tổ yến sẽ được hấp thụ tối đa vào cơ thể, nhờ đó phát huy tác dụng hiệu quả.
Việc sử dụng yến sau khi ngủ dậy sẽ giúp cơ thể được cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho hoạt động trong suốt cả ngày dài. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng yến trước khi đi ngủ từ 30 phút đến 1 tiếng. Lưu ý, không nên ăn yến khi vừa ăn no.
Các chuyên gia khuyến cáo, một bệnh nhân mắc COVID-19 muốn nhanh chóng hồi phục cần tuân thủ điều trị triệu chứng, tập luyện nhẹ nhàng và có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn uống cân bằng 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh.
Trường hợp muốn bổ sung vitamin cho cơ thể, có thể dùng một số loại thông dụng như: Vitamin D, kẽm, vitamin C… không nhất thiết phải bỏ ra số tiền quá lớn mua những sản phẩm đắt đỏ.