Tỏi không chỉ tuyệt vời để tăng hương vị cho các món ăn yêu thích mà còn tốt cho sức khỏe của bạn. Các hợp chất thực vật trong tỏi có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn và ngăn ngừa viêm nhiễm.
Thường được biết đến với các đặc tính chữa bệnh, tỏi cũng là một thực phẩm thiết yếu trong hầu hết các căn bếp Á đông. Nhiều người rất sợ ăn tỏi vì sẽ gây hơi thở có mùi khó chịu. Tuy nhiên, thêm tỏi vào công thức nấu ăn hàng ngày là bạn đã thực hiện một công việc tốt phục vụ cho sức khỏe của chính mình và gia đình bạn.
TS. Raj – Giáo sư giảng dạy tại Đại học Syracuse ở New York, Hoa Kỳ cho biết: Tỏi thuộc họ allium. Allium bao gồm một nhóm thực vật như hành tây, hành lá, tỏi tây và hẹ tây. Nhóm allium chứa các chất phytochemical như allicin và các hợp chất organosulfur. Các chất phytochemical này (còn gọi là các hợp chất thực vật) chịu trách nhiệm về các đặc tính dinh dưỡng, hỗ trợ hệ thống miễn dịch và tốt cho hệ tim mạch của bạn.
Các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều lợi ích của tỏi dựa trên các nghiên cứu liên quan đến chất bổ sung và chiết xuất (bao gồm cả bột và viên nang), có thể cung cấp liều lượng cao hơn mức bạn nhận được từ thực phẩm hàng ngày. Tuy nhiên, việc sử dụng tỏi trong thời gian dài với lượng nhỏ hơn như trong chế biến thức ăn hàng ngày cũng có thể tạo ra kết quả tích cực đối với cơ thể bạn.
Dưới đây là 6 lợi ích sức khỏe khi bạn bổ sung tỏi vào các bữa ăn hàng ngày.
TS. Raj khẳng định: Đừng ngại thêm tỏi trong các món ăn một cách thường xuyên, thậm chí là mỗi bữa ăn. Điều đó có thể mang lại cho bạn những lợi ích lâu dài vì chúng có thể chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và hợp chất có lợi có thể tương tác lẫn nhau theo cách có lợi với cơ thể bạn.
1. Hỗ trợ giúp huyết áp khoẻ mạnh
TS. Raj nói: “Tỏi kích thích sự tổng hợp oxit nitric, làm giãn nở các mạch máu và ức chế hoạt động của ACE (men chuyển đổi angiotensin – giúp giãn các mạch máu.) Điều này có khả năng hỗ trợ lưu lượng máu và hỗ trợ huyết áp khỏe mạnh”.
Raj dẫn chứng một phân tích tổng hợp được xuất bản vào tháng 2/2020: Trong 12 thử nghiệm và hơn 550 cá nhân bị tăng huyết áp, những người dùng thực phẩm bổ sung tỏi trong 3 tháng giúp giảm huyết áp tâm thu khoảng 8 điểm và huyết áp tâm trương giảm 5,5 điểm. Kết quả này tương tự như hiệu quả của thuốc hạ huyết áp thường được sử dụng.
Mặc dù vậy, cần phải có thêm các nghiên cứu khẳng định.
Tỏi có tác dụng giãn mạch máu giúp làm giảm huyết áp.
2. Có tác dụng chống viêm
Tỏi có đặc tính kháng khuẩn và chống nấm. Tác dụng chống viêm của tỏi là nhờ vào một hợp chất hoạt tính gọi là allicin được hình thành khi cắt hoặc đập dập củ tỏi. Hợp chất chứa lưu huỳnh này tạo cho tỏi có mùi hăng và vị đặc biệt.
Các nhà khoa học tin rằng viêm mạn tính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim mạch, đái tháo đường và các bệnh tự miễn. Các hợp chất có trong tỏi giúp ức chế hoạt động của một số protein gây viêm.
Từ lâu, tỏi đã được sử dụng như một “chiến binh” chống lại virus, vi khuẩn và nấm do hợp chất allicin. Một số tình trạng da, chẳng hạn như mụn cóc và côn trùng cắn cũng có thể được làm dịu với dầu tỏi. Tuy nhiên, việc sử dụng cần phải thận trọng và có sự hướng dẫn, giám sát của người có chuyên môn.
3. Nhiều nghiên cứu ghi nhận tỏi có thể làm giảm cholesterol
Nhiều nghiên cứu khoa học đã tập trung vào tiềm năng của tỏi trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim và giúp kiểm soát mức cholesterol. Một số nghiên cứu cho thấy rằng tỏi làm cho các tiểu cầu (tế bào liên quan đến quá trình đông máu) ít có khả năng kết tụ lại với nhau và tích tụ trên thành động mạch; điều này có nghĩa là tỏi hoạt động giống như một chất chống đông máu và do đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Tỏi hoạt động giống như một chất chống đông máu.
4. Hỗ trợ chức năng miễn dịch
Mặc dù chưa có một nghiên cứu lớn nào cho thấy tỏi có thể ngăn ngừa hoặc điều trị ung thư. Nhưng các nhà khoa học cho rằng tỏi có thể đóng vai trò trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch và các hợp chất lưu huỳnh trong tỏi có khả năng ức chế các tế bào lạ và ngăn chặn sự phát triển của nó.
Allicin – một trong những hóa chất thực vật có trong tỏi cung cấp các đặc tính kháng khuẩn vượt trội. Các nhà khoa học cũng tin rằng tỏi có đặc tính kháng virus có thể hoạt động theo 2 cách: ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào tế bào và bằng cách tăng cường phản ứng miễn dịch để chống lại những tác nhân xâm lược một cách hiệu quả.
5. Tăng cường sức khỏe của xương
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy tỏi có thể giảm thiểu sự mất xương bằng cách tăng nồng độ estrogen ở loài gặm nhấm cái. Một nghiên cứu ở phụ nữ sau mãn kinh cho thấy tác dụng tương tự khi tiêu thụ một lượng chiết xuất tỏi khô hàng ngày (tương đương với 2g tỏi sống). Các nghiên cứu khác cũng cho thấy việc tiêu thụ tỏi có thể làm giảm các triệu chứng viêm của bệnh viêm khớp. Tuy nhiên, đây chỉ là nghiên cứu ban đầu, cần có những nghiên cứu với mẫu lớn và khẳng định thêm.
Tỏi giúp giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp.
6. Tỏi cung cấp một lượng lớn chất chống oxy hóa
Các chất dinh dưỡng và hợp chất thực vật của tỏi mang lại cho nó đặc tính chống oxy hóa mạnh. Các chất chống oxy hóa không chỉ có lợi cho mạch máu và giảm viêm mà còn có thể hấp thụ các gốc tự do gây hại cho cơ thể.
7. Những lưu ý khi ăn tỏi sống
Lượng tỏi được khuyến nghị hàng ngày là từ 1/2-1 củ tỏi mỗi ngày (khoảng 3.000-6.000mcg allicin).
Việc ăn tỏi thường xuyên với liều lượng khoảng 1 củ tỏi mỗi ngày vẫn đảm bảo an toàn và rất hiếm khi bị dị ứng. Nếu bạn dùng tỏi bổ sung để kiểm soát cholesterol, hãy kiểm tra mức cholesterol của bạn sau 3 tháng.
Cần lưu ý rằng một số người có thể bị khó tiêu, đầy hơi trong ruột hoặc tiêu chảy khi dùng tỏi liều cao. Các hợp chất thực vật có trong tỏi có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của một trong các loại thuốc bạn đang dùng. Nếu bạn quan tâm đến việc bổ sung tỏi, muốn thử ăn tỏi sống hằng ngày hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn để đảm bảo rằng nó an toàn cho bạn và nó sẽ không gây những tương tác bất lợi, đặc biệt nếu bạn đang mắc các bệnh lý hoặc đang điều chỉnh chế độ ăn uống của mình.